Giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định BLDS năm 2015

Giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015

Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Khi đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 117 BLDS năm 2015, giao dịch dân sự có hiệu lực pháp luật. 

Điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực

Theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015, một giao dịch dân sự chỉ có hiệu lực nếu đảm bảo các yêu cầu sau đây:

- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội

- Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể

1. Các trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu

Căn cứ Điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2015, giao dịch dân sự vô hiệu khi không đáp ứng được các điều kiện được quy định tại Điều 117, Bộ luật Dân sự năm 2015. Các trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu bao gồm:

1.1. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.

Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội được quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015.

- Các chủ thể trong quá trình xác lập giao dịch đã thỏa thuận những điều khoản vi phạm điều cấm của pháp luật: những quy định mà luật không cho phép được làm. Trong đó, điều cấm của luật là những quy định mà luật quy định cá nhân, tổ chức không được phép thực hiện. Ví dụ: Mua bán, trao đổi hàng cấm; trốn thuế...

- Các chủ thể trong quá trình xác lập giao dịch đã thỏa thuận những điều khoản trái đạo đức xã hội (những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, đã được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng). Ví dụ. Con cái thỏa thuận với nhau về việc không chăm sóc bố mẹ già, mà sử dụng tài sản do bố mẹ tích góp để tiêu xài.

1.2. Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo 

Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo được quy định tại Điều 124 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Theo đó, nếu các bên xác lập một giao dịch A để che giấu cho giao dịch B thì giao dịch dân sự giả tạo (giao dịch A) sẽ bị vô hiệu còn giao dịch dân sự B vẫn có hiệu lực trừ trường hợp giao dịch B thuộc một trong các trường hợp vô hiệu khác. Ví dụ: Anh A có vay 100 triệu đồng của chị B. Tuy nhiên, hai anh chị không lập hợp đồng vay tiền mà chị B thỏa thuận với anh A lập hợp đồng mua bán nhà, đất. Trong hợp đồng mua bán này, chị B yêu cầu ghi giá chuyển nhượng là 100 triệu đồng. Nếu đến thời hạn mà anh A không trả đủ 100 triệu đồng cho chị B thì chị B sẽ sử dụng hợp đồng đó để sang tên quyền sử dụng nhà, đất của anh A. Như vậy, hợp đồng mua bán nhà, đất là hợp đồng giả tạo nhằm che giấu hợp đồng vay tiền. Do đó, hợp đồng mua bán nhà, đất sẽ vô hiệu; hợp đồng vay tiền vẫn còn hiệu lực.

Ngoài ra, nếu giao dịch dân sự đó được thực hiện để trốn tránh nghĩa vụ dân sự với người thứ ba thì giao dịch đó cũng sẽ vô hiệu. Ví dụ: Anh A vay ngân hàng 200 triệu đồng và đã thế chấp xe ô tô. Tuy nhiên, đến hạn trả gốc thì anh A không có đủ tiền để trả và ngân hàng đã gửi giấy báo sẽ kê biên, bán đấu giá chiếc xe ô tô cho anh B. Để trốn tránh việc phải bán đấu giá chiếc xe ô tô, anh A đã lập hợp đồng mua bán xe ô tô với anh C nhưng không thực hiện việc giao tiền, giao xe. Do đó, hợp đồng mua bán xe ô tô trong trường hợp này sẽ bị tuyên vô hiệu do giả tạo để trốn tránh nghĩa vụ với ngân hàng.

1.3. Giao dịch dân sự vô hiệu do chủ thể thực hiện giao dịch là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện.

Giao dịch dân sự vô hiệu do chủ thể thực hiện giao dịch là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện được quy định tại Điều 125 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trong các trường hợp này, giao dịch sẽ bị tuyên vô hiệu bởi khi chủ thể là các đối tượng trên, giao dịch phải do người đại diện của họ thực hiện trừ trường hợp:

- Giao dịch cho người chưa đủ 06 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự thực hiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của họ.

- Giao dịch chỉ phát sinh quyền hoặc miễn trừ nghĩa vụ của các đối tượng này.

- Sau khi chủ thể giao dịch đã thành niên hoặc khôi phục năng lực hành vi dân sự thừa nhận.

1.4. Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.

Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình được quy định tại Điều 125 Bộ luật Dân sự  năm 2015. Ví dụ khi người đó lâm vào tình trạng say rượu và đúng thời điểm đó thì thực hiện giao dịch dân sự. Tuy nhiên, người này phải chứng minh được trạng thái khi thực hiện giao dịch của mình và yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch mình đã thực hiện là vô hiệu.

1.5. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn.

Theo Điều 126 Bộ luật Dân sự, một hoặc các bên vì nhầm lần khi giao kết giao dịch dân sự khiến mục đích của việc xác lập giao dịch không thực hiện được. Trong trường hợp đó, người có mục đích giao dịch không đạt có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu trừ trường hợp mục đích thực hiện giao dịch đã đạt được hoặc bên kia đã khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm mục đích giao dịch vẫn đạt được.

1.6. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép được quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự  năm 2015.

- Lừa dối là hành vi cố ý nhằm làm cho người thực hiện giao dịch hiểu sai về tính chất, chủ thể của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch. Do đó, vì hiểu sai nên người này mới xác lập giao dịch đó.

Ví dụ: Anh A ký hợp đồng mua bán chung cư nhà ở xã hội với anh B nhưng chưa đáp ứng đủ điều kiện về thời gian (sau 05 năm mới được mua bán, chuyển nhượng). Tuy nhiên, anh B lại khẳng định, căn chung cư đã có Sổ đỏ, đã được mua bán. Khi hai bên ký hợp đồng mua bán thì anh A có thể yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng này vô hiệu vì đã vi phạm điều cấm của luật (cấm mua bán nhà ở xã hội trong thời hạn 05 năm) vừa bị lừa dối để ký hợp đồng mua bán.

Đe dọa, cưỡng ép là hành vi cố ý buộc bên kia phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, uy tín, danh dự, tài sản, nhân phẩm của mình hoặc người thân của mình.

1.7. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức.

Nếu quy định của pháp luật yêu cầu hình thức là một trong những điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực thì phải thực hiện theo quy định đó. Ví dụ: Khi ký hợp đồng mua bán nhà, đất, các bên phải lập hợp đồng bằng văn bản, có công chứng, chứng thực thì bắt buộc phải thực hiện yêu cầu về hình thức này để giao dịch không bị tuyên vô hiệu. 

Ngoài ra, giao dịch dân sự có thể bị vô hiệu từng phần. Khi đó, một phần của giao dịch dân sự bị vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của những nội dung khác trong giao dịch dân sự.

Bài viết cùng danh mục


HỆ THỐNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT